Dự án này được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 - 2023 nhằm mục tiêu giúp Việt Nam giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal.
Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) được giao chủ trì,ămquaViệtNamloạitrừcácchấtlàmsuygiảmtầredmi note 11 phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động để thực hiện mục tiêu đặt ra với nguồn vốn ODA hơn 8,7 triệu USD.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cho biết trong 5 năm thực hiện, dự án đã có nhiều kết quả tích cực và đóng góp cho quá trình bảo vệ tầng ozone.
Sau khi các nhà khoa học phát hiện ra lỗ thủng tầng ozone có thể gây ra những hệ lụy về sức khỏe như đục thủy tinh thể, ung thư da và ảnh hưởng tới hệ sinh thái, năm 1987, gần 200 nước đã tham gia loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ozone. Đến nay, lỗ thủng tầng ozone đã thu hẹp lại, dự báo được hoàn nguyên vào giữa thế kỷ 21.
Trong 5 năm thực hiện dự án, Việt Nam đã đạt được những kết quả như loại trừ hoàn toàn tiêu thụ 1.000 tấn HCFC-22 (một trong các chất gây nên hiệu ứng nhà kính, phá hủy tầng ozone) trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí gia dụng, lĩnh vực làm lạnh, sản xuất xốp XPS và lĩnh vực dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh.
Loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b (hợp chất phá hủy tầng ozone) trộn sẵn trong polyol trong lĩnh vực sản xuất xốp cách nhiệt; bảo đảm để Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ giảm 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC từ năm 2020 - 2024...
Dự án đã tổ chức tập huấn về chính sách, pháp luật giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, quản lý xuất khẩu, nhập khẩu các chất được kiểm soát cho hơn 350 cán bộ hải quan trong toàn ngành.
Cục Biến đổi khí hậu đã phối hợp với các bên tổ chức hơn 100 khóa tập huấn về nguyên tắc thực hành tốt trong thao tác xử lý các chất HCFC và môi chất lạnh có tính cháy cho hơn 3.200 kỹ thuật viên, học viên. Trong đó, 300 bộ đồ nghề sửa chữa (đồng hồ đo áp suất, bơm chân không, bộ dụng cụ...) được hỗ trợ cho các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh trong cả nước...
"Trong điều kiện của một nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang thể hiện nỗ lực cao trong các hoạt động bảo vệ tầng ozone, góp phần giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị định thư Montreal", ông Cường nói.
Trong khi đó, ông Ahmed Eiweida, Trưởng ban Phát triển bền vững (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam), đánh giá dự án của Việt Nam đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong vai trò loại trừ nhiều chất làm suy giảm tầng ozone.
"Dự án đã giảm tiêu dùng 1.000 tấn HCFC mỗi năm, đây là chỉ tiêu quan trọng đối với các quốc gia. Trong thời gian thực hiện, Việt Nam đã tuân thủ tất cả nghĩa vụ của mình, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính ra môi trường. Đây là con số rất đáng kể để thực hiện những cam kết mà Chính phủ Việt Nam đưa ra", ông Ahmed Eiweida đánh giá.
Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone được các nước ký kết vào năm 1987. Đây là văn bản ràng buộc trách nhiệm các quốc gia trên thế giới bảo vệ tầng ozone.
Cho đến nay, đã có 197 quốc gia phê duyệt Công ước Vienna, Nghị định thư Montreal cùng các văn bản sửa đổi, bổ sung về kiểm soát, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone.
Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal từ năm 1994.