Sáng 16.11,ủtịchQuốchộiĐịnhgiáđấtkhôngluậthóathìaidámlàbàn học Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Đất đai sửa đổi. Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết vẫn còn tới 14 nội dung còn có 2 phương án, trong đó có quy định phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (tại điều 159 dự thảo luật).
"Phương pháp khác cao hơn chỉ 1 đồng là chết rồi"
Ông Thanh cho hay, trên cơ sở các ý kiến tại kỳ họp 6, dự thảo tiếp tục thiết kế 2 phương án. Cụ thể: phương án 1 quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Theo ông Thanh, đây là phương án được Chính phủ đề xuất.
Phương án 2 quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng.
Ông Thanh cho hay, cơ quan thẩm tra, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn phương án 2.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần thực hiện theo phương án 2, theo đó, quy định rõ trường hợp, điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất trong luật.
"Không quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp thì bên dưới lại sợ sai, không dám làm đâu, phải quy định trong luật để bảo vệ cán bộ", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không luật hóa trường hợp, điều kiện áp dụng mà lại để tận 4 phương pháp thì cơ quan kiểm toán, thanh tra lại hỏi: sao anh không chọn phương pháp kia mà lại chọn phương pháp này? "Nếu phương pháp khác cao hơn chỉ 1 đồng là chết rồi", Chủ tịch Quốc hội nói, nhấn mạnh, quy định phương pháp định giá đất càng công khai, minh bạch thì càng tốt.
"Hiện nay kêu khó là do chưa quy định được hay là không muốn quy định? Không luật hóa thì ai dám làm. Đây là vấn đề quan trọng nhất. Dự thảo trình Quốc hội tới đây chỉ còn 1 phương án thôi. Nếu Chính phủ đồng ý phương án 2 thì tốt. Nếu không thì vẫn trình phương án 2 và nói rõ quan điểm của Chính phủ", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
"Mở nhưng phải có kiểm soát"
Một nội dung khác vẫn còn 2 phương án là quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (tại điều 34 dự thảo luật).
Trên cơ sở các ý kiến, dự thảo tiếp tục thiết kế 2 phương án. Phương án 1 là đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.
Còn phương án 2 là đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Chính phủ đề xuất theo hướng này.
Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn phương án 1. Do pháp luật dân sự quy định việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ nên phương án này giúp bảo toàn đất có nguồn gốc do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng (nay chuyển sang hình thức thuê đất).
Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội chọn phương án 1 và cho rằng, mở nhưng phải có kiểm soát. "Nghị quyết 18 của T.Ư không đề cập nội dung này. Nếu theo phương án 2, làm ăn thua lỗ, ngân hàng siết nợ mà bán cả bệnh viện, trường học đi thì tôi không tán thành. Không có thế chấp hay bán gì ở đây cả", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu mở theo phương án 2 là không kiểm soát được. "Chưa đoán sẽ xảy ra cái gì thì quyết thế nào được. Riêng thế chấp, chuyển nhượng là không cho. Anh liên doanh liên kết rồi vỡ nợ, ngân hàng tịch thu cả bệnh viện và trường học thì làm sao", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nêu rõ với lĩnh vực giáo dục và y tế thì vai trò nhà nước là chủ đạo, Chủ tịch Quốc hội cho rằng "mở toang toác ra thế không chấp nhận được", vì nếu có mở 100% thì đơn vị sự nghiệp công lập cũng không phải là doanh nghiệp.